Doanh nghiệp dệt may cần chủ động ứng phó với dịch cúm Corona
(ĐTCK) Báo cáo phân tích của nhiều công ty chứng khoán đưa ra tuần này đều nhận định, dệt may sẽ là ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh do vi rút Corona, đặc biệt khi phần lớn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, mức độ ảnh hưởng ở mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau. Thời điểm này, các doanh nghiệp lớn đều có kế hoạch ứng phó để chủ động đảm bảo sản xuất - kinh doanh.
Tại CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, gần 16.000 công nhân đã trở lại làm việc ngay sau ngày nghỉ Tết theo quy định.
Lãnh đạo TNG chia sẻ, khi nắm được thông tin dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và khách hàng cung cấp, TNG đã chủ động thành lập ban chỉ đạo, phòng chống dịch, nên việc sản xuất kinh doanh của TNG diễn ra bình thường theo kế hoạch.
Tại Tổng công ty May 10, vào ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, 90.000 khẩu trang đã được phát ra, trong đó 40.000 khẩu trang được phát cho người lao động, thực hiện 100% người lao động dùng khẩu trang và vệ sinh đúng cách, 50.000 khẩu trang được tặng cho người dân quanh khu vực nhà máy.
May 10 đã thành lập Ban Phòng chống dịch do virus Corona với nhiệm vụ hàng ngày nắm bắt tình hình sức khỏe người lao động, cảnh báo các trường hợp có nguy cơ, trang bị máy đo thân nhiệt tại mỗi đơn vị thành viên…, khi có khách nước ngoài tới đơn vị đều được yêu cầu đo thân nhiệt.
Tại các trạm y tế của May 10 đã triển khai phòng cách ly, xử lý khi có công nhân bị sốt, cảm cúm, hàng ngày báo cáo lãnh đạo tình hình sức khỏe của công nhân.
Tổng công ty Đức Giang với tổng số gần 8.000 người lao động vẫn tổ chức sản xuất bình thường.
Ngay từ trước Tết, Tổng công ty đã thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên cách phòng chống dịch, mua khẩu trang, cấp phát tiền mua khẩu trang cho người lao động, đảm bảo 100% người lao động đều đủ khẩu trang để dùng và nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi làm việc.
Ban Phòng chống dịch của May Đức Giang cũng thực hiện kiểm tra hàng ngày và 9h sáng báo cáo lãnh đạo tình hình sức khỏe của người lao động.
Đối với những trường hợp bị sốt, ho, sẽ cho nghỉ làm để theo dõi, điều trị, trong thời gian nghỉ làm vẫn được hưởng 100% lương. Những người bị bệnh được đưa tới bệnh viện đúng tuyến để được điều trị, chăm sóc kịp thời và thường xuyên cập nhật tình hình tiến triển. Cho đến nay, không có trường hợp người lao động nào nghi nhiễm virus Corona.
Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ cũng có lượng người lao động lên tới hơn 11.000 người. Ban Lãnh đạo Tổng công ty thống nhất với từng tổ sản xuất, không tiếc lao động, không giấu bệnh khi có người có biểu hiện bị hắt hơi sổ mũi là lập tức cho nghỉ làm để điều trị y tế phù hợp. Với các khách hàng nước ngoài hoặc nhân viên kiểm tra chất lượng nước ngoài, tạm dừng tới xưởng sản xuất, chỉ sử dụng nhân viên Việt Nam.
Tại tất cả các xưởng sản xuất đều dán thông cáo bệnh và cách phòng bệnh, hệ thống loa trong các xưởng cũng phát bản tin và khuyến cáo bệnh, cách phòng bệnh, những bản tin về dịch cũng được phát trên các màn hình nơi nhà ăn, phòng sinh hoạt công cộng của đơn vị. Bên cạnh chủ động phòng chống dịch để đảm bảo sản xuất, giao hàng, các doanh nghiệp dệt may còn vào cuộc sản xuất khẩu trang đảm bảo chất lượng và theo các lãnh đạo doanh nghiệp dệt may, người tiêu dùng hoàn toàn không lo khan hiếm khẩu trang.
Chẳng hạn, TNG đã nghiên cứu và đang tiến hành sản xuất khẩu trang vải Nano dùng được nhiều lần, nguyên liệu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan, đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận chất lượng và cho phép lưu thông trên thị trường với năng lực cung cấp 100.000 chiếc/ngày. TNG đã nhận sản xuất đơn hàng khẩu trang với số lượng lên tới 1 triệu chiếc cho Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên.
Ngày 4/2 vừa qua, Công ty Dệt kim Đông Xuân cũng thông tin đưa ra sản phẩm khẩu trang diệt khuẩn và khuyến cáo khách hàng không cần mua khẩu trang tích lũy, đồng thời không nên sử dụng khẩu trang 1 lần vì sau đại dịch số khẩu trang thải ra môi trường sẽ rất lớn.
May 10, Doximex, May Hưng Yên, CTCP Sản xuất hàng thể thao MXP cũng tham gia sản xuất khẩu trang vải, bán ra thị trường, chuyển đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG cho biết, Công ty luôn chuẩn bị nguyên phụ liệu cho sản xuất trước từ 60-90 ngày.
Đến nay, TNG đã ký đủ đơn hàng sản xuất đến quý III và chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu đến giữa quý II. Nguyên phụ liệu sản xuất trong quý I và đầu quý II đã được nhập về công ty từ trước Tết Canh tý 2020, nên các đơn hàng giao trong thời gian này ít bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, các khách hàng của TNG hầu hết là ở thị trường châu Âu, Bắc Mỹ. Khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định CPTPP, EVFTA, các khách hàng này đã chọn các nhà sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam và các nước thuộc hiệp định để nhập khẩu, đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ 2 hay 3 công đoạn để được hưởng ưu đãi thuế.
Chẳng hạn, khách hàng Decathlon của Pháp đã chọn nhà cung cấp nguyên liệu trong nước là Công ty Trần Hiệp Thành ở TP.HCM và TNG cung cấp bông tấm để sản xuất hàng áo Jacket... nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.
Tuy vậy, bệnh dịch có thể diễn biến phức tạp nên TNG tiếp tục cập nhật tình hình và chủ động cùng khách hàng tìm các phương án chuyển đổi nhà cung cấp ngoài thị trường Trung Quốc để tránh bị ảnh hưởng đến việc sản xuất và giao hàng theo kế hoạch.
Trích báo Tin nhanh Chứng Khoán